TOP 07 LOẠI BỆNH TRÊN CHUỐI THƯỜNG GẶP HIỆN NAY

Chuối là loại cây tương đối dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên một số bệnh trên chuối luôn là mối lo ngại của các nhà vườn. Bệnh sẽ do nhiều tác nhân gây ra và triệu chứng bệnh gần như tương tự nhau, nên khó phân biệt. Vì vậy, hãy cũng Vietplants điểm qua top 07 loại bệnh trên chuối thường gặp hiện nay nhé!

MỘT SỐ BỆNH TRÊN CHUỐI THƯỜNG GẶP

1. Bệnh héo rũ Panama

Bệnh héo rũ Panama là loại bệnh thường gặp ở vùng trồng chuối có diện tích lớn, tàn phá mùa mạng nghiêm trọng khắp nơi: Châu Á, Trung Đông, Châu Phi…

Nguyên nhân: Do nấm Fusarium oxysporum f. cubense sống trong đất gây ra, chúng tồn tại rất lâu trong đất (trên 30 năm). Ngoài ra chúng còn tồn tại ở những cây bệnh, cây giống (truyền bệnh từ cây mẹ sang cây con), nên loại bệnh này có mang đặc tính di truyền từ cây giống ban đầu.

Triệu chứng:

Loại nấm này xâm nhập vào rễ non hoặc gốc rễ, thường qua vết thương, sau đó lây nhiễm nhanh chóng ra vào gốc thân, mạch dẫn và lá. Một số triệu chứng thường gặp như:

  • Ban đầu mép ngoài của những lá già dần chuyển sang màu vàng, sau lan vào gân lá, những lá ngọn mọc thẳng, màu xanh nhạt, nhăn nheo. Sau đó trong vòng 1-2 tháng, tất cả những lá ngọn và lá già chuyển sang màu vàng, héo rũ và xẹp xuống. Che phủ thân giả bằng những lá nâu sẫm.
  • Chẻ dọc thân giả sẽ thấy các bó mạch bị vàng sau đó chuyển màu nâu, các bẹ ngoài bị nứt dọc. Cây bị bệnh nặng sẽ đổ ngã.
Bệnh héo rũ Panama trên chuối

2. Bệnh héo Moko

Bệnh héo Moko cũng là một trong những loại bệnh gây hại nghiêm trọng đến năng suất. Các triệu chứng bệnh này cũng tương tự như bệnh héo Panama.

Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Ralstonia solanacerum gây ra. Chúng tồn tại trong các mô cây đã bị bệnh, trên cây ký chủ hoặc trong đất.

Triệu chứng:

  • Những lá non khi nhiễm bệnh sẽ sang màu xanh nhạt hoặc hơi vàng, sau đó toàn bộ lá chuyển sang vàng và héo xuống. Phần bên trong thân dần dần chuyển màu, từ màu kem sang màu vàng, cuối cùng chuyển màu nâu sẫm rồi màu đen, khi cắt thân sẽ tiết ra dịch vi khuẩn, dịch này cũng dễ dàng tìm thấy trên cuống lá bệnh.
  • Trái chuối chín sớm, bị biến dạng và teo lại, bên trong quả chuối chuyển sang màu vàng, sau đó chuyển nâu hoặc xám, thối dần. Nụ hoa và cuống hoa bị nhiễm bệnh sẽ bị đen và teo lại.
Bệnh héo Moko trên chuối

3. Bệnh Sigatoka

Một loại bệnh cũng dễ dàng bắt gặp trên những vườn chuối là bệnh Sigatoka. Bệnh chỉ gây hại trên lá, nhưng nếu không phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái.

Nguyên nhân: 2 loại bệnh đốm lá thường gặp là đốm lá Sigatoka đen do nấm Pseudocercospora fijiensis và bệnh đốm lá Sigatoka vàng do nấm Pseudocercospora musae gây ra.

Triệu chứng:

Các biểu hiện bệnh Sigatoka đen và vàng gần như tương tự nhau, ban đầu là những đốm nhỏ, xếp dọc theo những gân phụ của phiến lá, sau đó những vết đốm có hình bầu dục, liên kết với nhau và lan rộng khắp 2 mặt lá. Trung tâm vết bệnh sẽ bị khô là lõm xuống. Bệnh nặng sẽ làm lá khô đen và rụng.

Cây kém phát triển, buồng chuối nhỏ, trái lâu chín, có vị chát, hai bệnh có thể xuất hiện trên cùng một cây. 

  • Bệnh Sigatoka đen: ban đầu xuất hiện như đốm đỏ, ở mặt dưới của lá, sau đó chuyển sang màu nâu, vết bệnh dài và rộng hơn Sigatoka vàng
  • Bệnh Sigatoka vàng: những vết màu nâu viền vàng, nhỏ hẹp và ngắn hơn, ở mặt trên của lá, nổi rõ trên mặt lá hơn Sigatoka đen.
Bệnh Sigatoka trên chuối

4. Bệnh khảm lá

Bệnh khảm lá chuối thường xuất hiện ở những lá già, lá trưởng thành, không xuất hiện hết toàn bộ lá trên cây. Bệnh phát triển mạnh ở nơi nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, ẩm ướt.

Nguyên nhân: Bệnh gây ra do Virus là Cucumber Mosai virus (CMV). Khả năng lây bệnh từ cây này sang cây khác qua môi giới gây bệnh là rầy mềm sống trong bẹ lá chuối, tuyến trùng trong đất …

Triệu chứng:

  • Lá bị vàng sọc liền mạch hoặc không liền mạch, đứt gãy, đan xen những vết đen đốm, dọc song song theo các gân lá từ phía ngoài bìa lá vào cuống lá.
  • Bệnh không được xử lý kịp thời, những vết bệnh sẽ lan rộng ra, lá chuyển sang những vết đen, làm lá khô héo, cây còi cọc, buồng và quả kém phát triển
Bệnh khảm lá chuối

5. Bệnh chùn đọt (rụt đọt)

Bệnh chùn đọt (rụt đọt) cũng là một loại bệnh trên chuối thằng gặp nhất hiện nay, bệnh xuất hiện ngay ở giai đoạn cây giống, cây đang phát triển, hoặc cây trưởng thành.  Bệnh phát triển mạnh ở những tháng mưa, độ ẩm cao, những khu vườn có nhiều bụi cỏ, rậm rạp.

Nguyên nhân: Do Virus Bunchy top gây ra. Bệnh truyền từ cây mẹ sang con con qua cây giống, từ cây này sang cây khác bằng môi giới truyền bệnh là rầy mềm.

Triệu chứng: 

  • Lá mọc chụm lại ở ngọn thân giả, vươn thẳng, lá chuối nhỏ, bìa vàng, mép lá và cuốn lá cong lại, lá rất giòn.
  • Những cây non bị nhiễm bệnh sẽ kém phát triển, còi cọc, ra buồng chậm hoặc không ra buồng.
  • Những cây cho ra buồng sẽ làm trái nhỏ, không chín, trái kém chất lượng.
Bệnh chùn đọt trên chuối

6.Bệnh thán thư trên trái

Bệnh thán thư biểu hiện chủ yếu trên trái chuối, triệu chứng bệnh cũng xuất hiện sau khi đã thu hoạch trong quá trình bảo quản và di chuyển. Bệnh cũng xuất hiện trên lá cây.

Nguyên nhân:

Bệnh do nấm Colletotrichum musae gây ra. Bệnh phát triển mạnh ở thời tiết lạnh, độ ẩm cao

Triệu chứng:

  • Ban đầu, bệnh xuất hiện ở mặt dưới của lá, tạo ra những đốm đen, những đốm liên kết với nhau tạo mảng cháy trên lá, sau đó làm lá khô héo và rụng
  • Nấm xâm nhập qua vết thương của những quả non. Gây ra các đốm lõm màu nâu sẫm ngã đen trên trái, những trái chín sẽ xuất hiện những lốm đốm đen, sau đó bệnh phát triển và lan rộng toàn bộ trái, phần thịt dần bị thối rửa.
Bệnh thán thư trên trái chuối

7.Bệnh héo rũ Xanthomonas

Loại vi khuẩn Xanhthomonas thường tồn tại trong hoa đực (bắp chuối). Các môi giới truyền bệnh như ong, ruồi… sẽ hút dịch vi khuẩn trong hoa cây bị nhiễm bệnh từ cây này sang cây khác, rồi làm phát tán bệnh.

Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Musacearum gây ra

Triệu chứng: 

  • Cây biểu hiện rõ nhất trên buồng chuối. Có sự đổi màu bên trong thịt trái, cắt ngang trái có dịch vi khuẩn, trái chín không đều, vỏ trái chuyển từ màu xanh sang màu vàng cam, sau đó đen trái dần
  • Mặt cắt thân giả cũng xuất hiện dịch vi khuẩn. Trên lá có biểu hiện úa vàng, héo khô.
Bệnh héo rũ Xanhthomonas trên chuối

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ ĐẶC TRỊ BỆNH TRÊN CHUỐI

Hiện nay, các loại bệnh do virus, nấm, vi khuẩn gây bệnh trên chuối chưa có biện pháp xử lý triệt để.  Do đó, cần theo dõi vườn thường xuyên để quản lý bệnh hại kịp thời. Quan trọng nhất, bà con nên chú ý kỹ lưỡng ở bước phòng bệnh cho vườn nhà mình.

Các biện pháp phòng bệnh trên chuối

Phòng bệnh trên chuối

  • Mật độ trồng phù hợp, đảm bảo độ thông thoáng cho vườn (trồng theo hàng đôi, mỗi hàng trồng sole)
  • Thường xuyên thu dọn những lá già, phát quang bụi cỏ, tránh vun lá cây khô quanh gốc chuối
  • Có biện pháp quản lý rầy mềm, côn trùng hút chích
  • Bón vôi sát khuẩn, sử dụng kết hợp nấm đối kháng Trichoderma để phòng chống sự gây hại của nấm bệnh
  • Bón phân cân đối, tránh bón dư thừa đạm
  • Bổ sung thêm các vi lượng như Canxi Bo để giúp cây cứng cáp, tăng khả năng chống chịu bệnh
  • Đảm bảo thoát nước tốt cho vườn
  • Bao lại buồng trái
  • Không sử dụng làm giống những vùng bị nhiễm bệnh

Đặc trị bệnh trên chuối

  • Phát hiện bệnh sớm, cô lập cây bệnh hoặc khu vực bị nhiễm bệnh
  • Đào bỏ các cây bị bệnh, tiêu huỷ củ, xử lý lại đất trồng
  • Chọn thuốc có tính đặc trị, kết hợp đặc trị nấm, vi khuẩn (Nano đồng, phytoxin…) và tuyến trùng ở những khu vực nhiễm bệnh
  • Tiến hành khử trùng toàn bộ vật liệu canh tác để ngăn chặn bệnh lây nhiễm 
  • Với khu vực mức độ nhiễm bệnh trên 50%, tiến hành tiêu huỷ ngay, theo đúng quy trình xử lý, trồng luân canh trồng cây khác hoặc trồng giống kháng chịu bệnh

Biện pháp tối ưu nhất nên sử dụng cây giống nuôi cấy mô, để đảm bảo cây giống sạch bệnh, sức sống cao và khả năng chống chịu bệnh tốt

Với bài viết “Top 07 loại bệnh trên chuối thường gặp” này, Vietplants mong muốn có thể giúp bà con phân biệt được một số loại bệnh thường gặp và có biện pháp phòng và trị bệnh đúng cách. Qua đó bà con có vụ mùa chuối sạch bệnh và cho năng suất vượt trội.

Tác giả: Vietplants